Hoạt động sàng lọc
sức khỏe tinh thần đầu năm học

Với mục đích cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần một cách hệ thống và toàn diện cho toàn bộ học sinh trong Trường phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School, Phòng tham vấn học đường triển khai hoạt động Sàng lọc sức khỏe tinh thần cho học sinh đầu mỗi năm học. Khảo sát sức khỏe tinh thần đầu năm được thực hiện nhằm đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của học sinh trên 05 khía cạnh về cảm xúc, hành vi ứng xử, tăng hoạt động, mối quan hệ bạn bè và các hành vi xã hội tích cực.

Để có thể sàng lọc được các khía cạnh này Phòng Tham vấn học đường đã cân nhắc giữa các công cụ và lựa chọn bảng câu hỏi Điểm mạnh và Khó khăn SDQ (tên tiếng Anh Strengths & Difficulties Questionnaires) để triển khai hoạt động. Thang đo này đã được dịch và thích ứng trong bối cảnh Việt Nam có sự cho phép của tác giả, tiến sĩ tâm thần học trẻ em Robert Goodman. Đối với các học sinh Tiểu học, CMHS sẽ là những người thực hiện khảo sát để cung cấp các mô tả về hành vi của con. Từ cấp THCS tới THPT, các bạn học sinh có thể trực tiếp thực hiện để phản ánh đúng nhất các trạng thái sức khỏe tinh thần của bản thân. 

Từ kết quả thu được từ hoạt động sàng lọc sức khỏe tinh thần, Phòng tham vấn học đường sẽ có được các đánh giá ban đầu về điểm mạnh, điểm yếu của học sinh, trên cơ sở đó phân loại học sinh vào ba tầng trong hệ thống hỗ trợ đa tầng MTSS, tạo thuận lợi cho sự  “cá nhân hóa” lộ trình hỗ trợ học sinh trong thời gian học - tập tại trường.

Các chương trình phòng ngừa với đa dạng chủ đề:

KHƠI DẬY ĐỘNG LỰC HỌC TẬP CHO CON

Ở bất cứ thời điểm nào, học sinh đều có nguy cơ rơi vào tình trạng “mất động lực học tập”. Những khi cảm thấy chán nản và mất động lực, chắc hẳn nhiều học sinh đã muốn dừng lại, không muốn cố gắng và không biết học để làm gì. Một số cha mẹ cảm thấy áp lực về việc con không muốn học, không tự giác hay không rõ học để làm gì… Đôi khi, con thể hiện sự dửng dưng với tương lai hoặc không có mục tiêu phấn đấu. Những điều này đã có lúc gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. 

Thấu hiểu được những khó khăn trong quá trình nuôi dạy con, Phòng tham vấn học đường tổ chức hội thảo “Khơi dậy động lực học tập cho con với mong muốn đồng hành cùng cha mẹ trong quá trình hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích động lực học tập cho con.Với sự dẫn dắt và chia sẻ từ PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa, một trong những Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với cha mẹ, thường xuyên được truyền thông mời chia sẻ các quan điểm giáo dục cho trẻ em dưới góc độ tâm lý phát triển, sẽ cùng tháo gỡ các vấn đề mà cha mẹ gặp phải liên quan đến việc con không có hứng thú, động lực trong học tập.

Thông tin chi tiết chương trình: 

🗒 NỘI DUNG

1.  Các vấn đề cha mẹ gặp phải liên quan đến thúc đẩy ý thức tự giác và trách nhiệm của con trong việc học tập và rèn luyện;

2. Động cơ và hứng thú học tập đến từ đâu và vai trò của chúng đối với sự thành công trong học tập và rèn luyện của con;

3. Cha mẹ học sinh nên làm gì để đồng hành cùng con trong việc duy trì và nâng cao động cơ, hứng thú học tập cho con em mình?


Thời gian: 8:30 - 11:00 ngày 19/02/2023

Trực tiếp tại: Cơ sở 2: Phòng Marker Space, Lô C35, C29, C26, khu C – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội 

Diễn giả: PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa - Chuyên gia Tâm lý học giáo dục

Link đăng ký tham dự: tại đây

Hiểu về Sức khỏe tâm thần cùng Gen Z


Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe; trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của mình (WHO, 2001). Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và trẻ vị thành niên tại Việt Nam là từ 8% đến 29% với các loại hình vấn đề về sức khỏe tâm thần phổ biến nhất là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) (UNICEF Việt Nam, 2018). Căn cứ vào những số liệu trên cùng mong muốn cung cấp cho các bạn học sinh những góc nhìn chính xác nhất xoay quanh cụm từ “Sức khỏe tâm thần” và những kiến thức về chủ đề “Trầm cảm”, sự kiện “Hiểu về Sức khỏe tâm thần cùng Gen Z” đã được diễn ra cùng với sự đồng hành của các bạn học sinh khối THCS và THPT. Thông qua chương trình, các con được trang bị những cách thức ứng phó trong trong trường hợp mắc Trầm cảm cùng một góc nhìn cởi mở và cảm thông hơn với những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần.


Khơi nguồn tâm sự từ con

Trên hành trình trưởng thành của con, cha mẹ ngoài việc là người chăm sóc và nuôi nấng các con thì các bậc phụ huynh cũng là những người đồng hành và là người bạn tâm giao của con mình. Với mong muốn cùng cha mẹ tháo gỡ những rào cản khi giao tiếp với con, trở thành một người bạn luôn lắng nghe, chia sẻ, cùng con trưởng thành trong vui vẻ và hạnh phúc, Phòng Tham vấn học đường đã tổ chức buổi Workshop "Khơi nguồn tâm sự từ con". Qua buổi chia sẻ, mỗi cha mẹ đã có dịp tìm hiểu về các phương thức để trò chuyện và lắng nghe con hiệu quả hơn, từ đó góp phần vào việc xây dựng lên mối quan hệ thân thiết với con.  

Giới - Tính
Câu chuyện xuyên thế hệ

Giới tính thường là chủ đề nhạy cảm và dường như khó có thể chia sẻ một cách thẳng thắn, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái. Hiểu được khó khăn này, Workshop "Giới - Tính: Câu chuyện xuyên thế hệ" đã được tổ chức với mong muốn đồng hành cùng cha mẹ trong việc tìm hiểu, trao đổi và thực hành những "bí quyết" để có thể trò chuyện cùng con về chủ đề này. Đồng thời, chương trình cũng chia sẻ thêm những kiến thức bổ ích cùng những góc nhìn mới về phương pháp giáo dục giới tính cho cha mẹ nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể đồng hành trên tiến trình trưởng thành của con. 

Ngày Quốc tế khoan dung

Nhân ngày Quốc tế khoan dung (16/11) Phòng Tham vấn học đường phối hợp với Tổ Giáo dục cảm xúc và xã hội thực hiện chương trình phòng ngừa toàn trường với chủ đề "Tôi khác biệt, và chúng ta giống nhau" nhằm thúc đẩy nhận thức của học sinh về sự khác biệt của mỗi cá nhân. Học sinh vừa có cơ hội để hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế khoan dung, vừa có cơ hội tham gia thực hiện sản phẩm học tập nhằm tôn vinh sự khác biệt độc đáo ở mỗi cá nhân.

Ngày Quốc tế hạnh phúc

"Hạnh phúc của bạn là gì?" "Điều gì khiến bạn hạnh phúc?" có lẽ là dạng thức câu hỏi "old but gold" sẽ luôn tồn tại ở "đa vũ trụ" ngay cả trong thế giới Marvel, được khắc họa rõ nét trong bộ phim Doctor Strange In The Multiverse Of Madness. Câu hỏi đầy tính nhân bản này cũng là mối quan tâm chung của thầy cô tại H.A.S với các con học sinh thân yêu. Với thông điệp "Hạnh phúc là khi cá nhân làm điều khiến cho bản thân mình vui vẻ (Happier) và mang lại cả những điều ý nghĩa cho người khác (Kinder), sau cùng là lan tỏa và chia sẻ thông điệp của hạnh phúc (Together)", học sinh được tham gia dự án học tập về hạnh phúc và cùng đóng góp cho sổ tay "Dáng hình hạnh phúc". Sau hoạt động ý nghĩa này, thầy cô tin rằng mỗi chúng mình sẽ có cho mình những câu trả lời riêng về niềm hạnh phúc của riêng ta.

Workshop "Nói đi chờ chi"

Bày tỏ nhu cầu, mong muốn của bản thân đến người khác trong các cuộc giao tiếp chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt, trải qua một khoảng thời gian học-tập online, việc kết nối liên cá nhân ngày càng hạn chế, cảm giác an toàn để chia sẻ với những người bạn của mình cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Workshop "Nói đi chờ chi" như một cánh cửa mở, hướng học sinh bắt đầu đi trên hành trình của sự quan sát người khác, đón nhận cảm xúc của chính mình, thấu hiểu nhu cẩu của bản thân trước khi đi đến bày tỏ những điều mình mong muốn với người khác một cách rõ ràng và chân thành. 

Hiểu chất sống khỏe



Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ, khoảng 45% học sinh trung học đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và 39% học sinh đã từng sử dụng cần sa ít nhất một lần. Việc sử dụng chất gây nghiện đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa và phổ biến ở lứa tuổi học sinh. 

Chương trình dự phòng về sử dụng chất gây nghiện được Nhà trường triển khai đến học sinh cấp THPT, nhằm  trang bị cho các con thêm kiến thức “đúng” về chất gây nghiện trước khi đưa ra lựa chọn hành động tốt nhất cho bản thân, hướng tới việc mỗi học sinh đang học-tập tại H.A.S được phát triển một cách toàn diện cả về trí tuệ - thể chất - tinh thần dựa trên sử hiểu biết. 





Giao tiếp hiệu quả cùng con


Tại H.A.S, cha mẹ cũng chính là nhóm đối tượng chiến lược, hiệu quả trên hành trình giúp con "tự lập - tự chủ - trách nhiệm”. Workshop “giao tiếp hiệu quả cùng con” với sự cố vấn và tham gia chia sẻ trực tiếp từ PGS.TS Lê Văn Hảo đã mang đến cho cha mẹ những chiến lược cần thiết khi giao tiếp, thấu hiểu nhu cầu của con trước những khó khăn về mặt cảm xúc và hành vi. 



Hội thảo "Làm sao để thấu hiểu và điều chỉnh
hành vi không phù hợp của học sinh?"


Các giáo viên thông thường bắt đầu công việc dạy-học của mình với ước mơ thật đẹp là giúp đỡ, định hướng, truyền cảm hứng cho học sinh về tình yêu với tri thức và việc học tập. Nhưng thật không may, các nghiên cứu được tổng hợp bởi tác giả Lorea Martinez cho thấy có khoảng 40-50% giáo viên bỏ nghề trong vòng 5 năm đầu tiên đi dạy. Bên cạnh đó, theo cuộc khảo sát mới nhất của MetLife về giáo viên Mỹ, hơn một nửa số giáo viên cho biết “bị căng thẳng cực độ ít nhất từ vài ngày đến một tuần”. 

Dạy-học thực sự là một công việc thiên về cảm xúc, do đó giáo viên cần được hỗ trợ trong việc củng cố các kỹ năng xã hội và tình cảm để kiểm soát sự căng thẳng của mình, giúp thầy cô có thể giáo dục, dạy-học hiệu quả và gắn bó lâu dài với công việc mình đang theo đuổi. 

Do đó không chỉ đối với học sinh mà còn với giáo viên, năng lực Cảm xúc và Xã hội (Social Emotional Learning - SEL) cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp giáo viên tránh bị kiệt sức và mang đến cho họ niềm hạnh phúc. 

Vì vậy, phòng Tham vấn học đường đã kết hợp với tổ Giáo dục Cảm xúc và Xã hội tiến hành tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Làm sao để thấu hiểu học sinh và điều chỉnh hành vi không phù hợp?”, với sự chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Chiêu Anh - Chuyên gia đào tạo giáo viên về Giáo dục Cảm xúc xã hội, nhằm mục tiêu giúp các thầy cô:

+ Nhận diện được các nhóm vấn đề hành vi không phù hợp của học sinh;

+ Giải thích được các nguyên nhân dẫn đến hành vi không phù hợp với học sinh;

+ Thực hành lắng nghe tích cực để gia tăng được khả năng thấu hiểu học sinh và điều chỉnh hành vi không phù hợp ở học sinh.

Chương trình được diễn ra dưới cả hình thức online và offline với gần 60 thầy cô tham gia thực hành và sẵn sàng mang đến những giá trị tốt đẹp cho học sinh của mình.



Thấu hiểu để yêu thương


Tuổi dậy thì là quãng thời gian có nhiều thay đổi về mặt tâm - sinh lý ở trẻ em. Những thay đổi này khiến cha mẹ và con cái cảm thấy bối rối, đôi khi gây ra những trục trặc trong kết nối. Với mong muốn thắt chặt các kết nối giữa cha mẹ và con cái, đồng hành cùng nhau bước qua tuổi dậy thì, Phòng tham vấn học đường đã tổ chức hội thảo chia sẻ các kiến thức liên quan đến tuổi dậy thì để cha mẹ và học sinh một lần nữa hiểu hơn các sự thay đổi tâm - sinh lý tuổi dậy thì một cách khoa học. Chương trình cũng trang bị cho cha mẹ, học sinh các kỹ năng làm chủ cảm xúc để yêu thương được gửi gắm và hiểu theo đúng nghĩa.